#mentor_in_spotlight #2k2_nulocareer (tìm bài cũ search hashtag này)
Mentor #29 Học viện báo chí tuyên truyền- LÔNG BÔNG VỚI TRUYỀN THÔNG – 3 NĂM RONG CHƠI VÌ TIN CÒN TRẺ THÌ NÊN CHỌN KỸ
Dì gửi Contact của mentor Linh Trang
https://www.linkedin.com/in/linhtrangpl/
Post này là dì dành cho Trang nên phần reply thắc mắc post này là của Trang <3
Headline trên LinkedIn của mình là: “A wanderer who believes career is the combination of personal skills and community purposes” và bởi vậy, chia sẻ của mình sẽ không bao gồm những kiến thức chuyên môn, sâu sắc về nghề nghiệp hay các tips thi đâu đậu đấy, mà đơn thuần là một hành trình “lông bông” được định hướng cẩn thận, linh hoạt và có sự soi chiếu.
Sau 3 năm vừa học vừa làm (không liên tục), không trích từ sách, không học từ self-help hay bất kỳ khóa hướng nghiệp online hay offline nào, mình có một câu chuyện và hai đúc kết cá nhân muốn chia sẻ.
Đúc kết thứ nhất: Công việc thực sự bao gồm thời gian làm và thời gian nghĩ về nó
Bạn đã bao giờ làm 2-3 jobs song song? Thứ 2 thứ 6 đi học Tiếng Anh (hay bất cứ thứ tiếng nào) thứ 3 thứ 5 làm gia sư thứ 7 Chủ Nhật chạy deadline của một dự án thiện nguyện? Thứ 2 thứ 4 làm PG thứ 3 thứ 5 booking trên bar? Bất kể hình thức công việc, chuyên môn hay bán chuyên, dính dáng tới việc học hay không?
Nếu bạn thuộc nhóm cần đi làm để trang trải, bạn không ở trong trường hợp này. Mình muốn nói đến các bạn làm vì ‘peer pressure’ – hay còn gọi là “áp lực đồng trang lứa”.
Mình từng rất tự tin sẽ không bao giờ là “nạn nhân” của peer pressure cho đến khi mình…là. Sự cạnh tranh và tự so sánh dường như là một cơ chế “ăn vào máu” của mỗi người và cần rất nhiều thời gian cũng như tỉnh thức để nhận ra và khắc phục.
Thời điểm đỉnh cao khủng hoảng vì ‘peer pressure’ của mình bắt đầu cuối năm hai, khi mình đi làm part-time Marketing cho một Trung tâm Tiếng Anh với mức lương khá hậu, thỏa mãn tốt nhu cầu chi tiêu của mình. Tuy nhiên, không có nhiều không gian cho sự thăng tiến đối với vị trí part-time, nên mình dự thi một cuộc thi về Marketing. Lại nữa, các bạn xung quanh đều tham gia tình nguyện cho một dự án nào đó, thế là mình cũng tham gia tình nguyện. Tất cả những điều trên, cộng thêm lịch học ở trường và 2-3 câu lạc bộ báo chí.
Nếu xui xẻo hơn, chắc một cơn ốm bệnh hay một sự đổ vỡ về tinh thần mới khiến mình “thức tỉnh”, nhưng tất cả được giải quyết chỉ vì mình trở nên quá xấu. Về ngoại hình. Từ một người lúc nào cũng ăn mặc tươm tất phụ kiện đầy đủ mới ra khỏi nhà, có lúc mình định mặc đồ ngủ lên giảng đường vì quá mệt. Mặt mụn, tóc xơ và mình đã thực sự phát khóc trên Grab vì chán ghét bản thân khi nhận ra mình không thể sắp xếp thời gian chỉ để đi mua một chiếc áo mới.
Khóc xong, mình trở về nhà và từ bỏ những điều nên từ bỏ.
Như thường lệ câu chuyện sẽ kết thúc ở đây, mọi người đều nhận ra nên thận trọng với peer pressure và vui vẻ ra về. Nhưng bài học thật sự chỉ đến sau khi mình đã ra khỏi “cơn bão” peer pressure và những “sang chấn” nhẹ mà nó để lại.
Mình nhận ra những công việc mình đã làm không thực sự đọng lại gì cả.
Khi mình làm từ 2 công việc chuyên môn trở lên, đối với những công việc bán chuyên hay thuần túy tay chân con số này có thể là 3-4, tùy sức chịu đựng của mỗi người, thì mình không thực sự “làm việc”. Tất cả những gì mình có thể làm thực chất là làm “cho xong” – và “cho xong” thường chỉ chớm ngưỡng “chấp nhận được” – tức 20-30% năng lực thật sự.
Quan trọng hơn cả, công việc, hay sự nghiệp chưa bao giờ là việc làm “cho xong” một điều gì đó và hoàn toàn thanh thản về nó. Thời gian làm việc, đối với mình, thực chất là: hoàn thành công việc + suy ngẫm về nó + tìm cách cải thiện + đúc rút bài học + nhìn vào bức tranh tổng thể của công ty (hay của ngành, nếu bạn đi làm đủ lâu) + hình dung về tương lai của chính mình – với công việc này, ngành nghề này.
Tất cả những điều trên mới tạo nên cảm giác về làm việc “thật sự”. Đó là lý do tại sao, nếu bạn làm một công việc bạn không yêu thích, hay bạn làm công việc bạn thích nhưng không thể dành đủ thời gian (mà bạn thấy là xứng đáng) cho nó, bạn có thể cảm thấy như đang “làm mà không làm”. CV vẫn có chữ, nhưng đầu bạn không có những bài học kinh nghiệm thực sự, tâm hồn bạn không có đam mê và tự hào, con người bạn không có một câu chuyện xuyên suốt để chia sẻ.
Làm sao để thực sự “làm việc”, hay nói đúng hơn, bạn sẵn sàng ưu tiên để thực sự làm “việc” nào, điều này chỉ mình bạn có thể trả lời.
Đúc kết thứ hai: Sự nghiệp là kỹ năng kết hợp với một (hay nhiều) mục tiêu cộng đồng để phục vụ
Nghe hơi “đao to búa lớn” nhỉ? Biết làm sao được, nó thật sự là một điều to lớn.
Với điều kiện gia đình trung bình, phẩm chất cá nhân bình thường, từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài không có gì quá đặc biệt, mình vẫn khẳng định: sự nghiệp cần bao gồm kỹ năng cá nhân và mục tiêu cộng đồng để phục vụ (tức một điều – vượt lên chính bạn – mà bạn muốn làm cho xã hội).
Mình học Báo chí, học Truyền thông, 3 năm đi làm mình coi nghề nghiệp như một mâm quay (cái mâm cơm quay quay để lấy món trong phim đó các bạn). Mình dự định “gắp” mỗi món một ít rồi chọn ra món nào “ngon” nhất thì mình sẽ nhảy vào.
Trước tiên mình vào Báo chí, từ đưa tin Tuần lễ Thời trang đến làm phóng sự Nông nghiệp đi giữa bùn lầy trang trại. Nghề khổ và vui, cho mình ra vào tự do những chỗ ít ai được vào và gặp gỡ thoải mái những người ít ai được gặp. Làm một thời gian, mình nhảy sang PR – Marketing, từ rong chơi với các dự án Nghệ thuật, các tổ chức sinh viên cho đến “ghì sát đất” với những yêu cầu doanh thu ngặt nghèo. Có thời gian mình còn bon chen sang Xuất bản, vì mình biết đây là một ngành nhỏ, rất “đóng” – về cả cung cách hoạt động và nhân sự.
Sau 3 năm, mình chưa thể hiểu sâu nhưng bức tranh tổng quan, ấn tượng đầu tiên về mỗi ngành trong tệp Truyền thông thì mình sẵn sàng chia sẻ với những ai cần đến nó.
Thế, mình định “gắp” món nào trên mâm?
Mình không thể. Mình không thể “gắp” món nào khi tất cả những gì mình từng thử là những “đôi đũa” khác nhau. Những lĩnh vực như – Truyền thông, Xuất bản, PR – Marketing là những “đôi đũa”, những “công cụ” để phục vụ một hay nhiều nhu cầu căn bản nào đó của xã hội – trong trường hợp này là nhu cầu thông tin và trao đổi thông tin.
Nhu cầu là “món ăn”, công cụ phục vụ nhu cầu là “đôi đũa”. Điều bạn cần làm là nhận ra: “công việc” bạn đang quan tâm là “món ăn” hay “đôi đũa”?
Nếu đó là “đôi đũa” – bạn có thể đi đến tận cùng bằng cách trở thành một “nhà làm đũa” chuyên nghiệp. Bạn đi đến tận cùng của ngành Marketing và sở hữu một (hay một vài) Agency riêng, thậm chí, một tập đoàn Quảng cáo. Bạn đi đến tận cùng của ngành Báo chí và trở thành Trưởng phòng/Phó – Tổng biên tập.
Nếu đó là “món ăn” – bạn cần chọn cho mình một đôi đũa phù hợp. Kết hợp đôi đũa “Báo chí” với món ăn “Giáo dục” – bạn có một nhà báo viết về và sử dụng toàn bộ sức mạnh truyền thông của mình để lên tiếng cho những vấn đề giáo dục; kết hợp với đôi đũa “Truyền thông đa phương tiện” – bạn có một vlogger, một KOL hướng tới giới trẻ và nhu cầu học hỏi, hướng nghiệp của họ.
Ngay cả trong trường hợp thứ nhất, bạn phát triển kỹ năng của mình trong một lĩnh vực có tính “công cụ” đến mức chuyên nghiệp, bạn vẫn cần cam kết với một vài đối tượng – một vài nhu cầu, giá trị cộng đồng cốt lõi để thực sự phát triển. Để có một tệp Target Audience chất lượng.
Kỹ năng và giá trị xã hội – thiếu một trong hai, hoặc bạn chỉ đang mơ mộng (bạn quan tâm đến Giáo dục nhưng không biết mình sẽ hoạt động trong vai trò gì), hoặc bạn sẽ chạy quanh vòng xoáy gạo – tiền (bạn làm truyền thông cho bất cứ ai thuê bạn với một “cái giá” hợp ý).
Những đôi đũa thì sẽ làm gì trên một mâm cơm không có đồ ăn?